Đề ôn thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội - Phần Tư duy định tính (đề 12)

Cập nhật lúc: 18:44 30-11-2023 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội


Nội dung đề ôn luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội Phần Tư duy định tính (đề 12) gồm các câu hỏi từ 51 đến 100 như sau:

TƯ DUY ĐỊNH TÍNH (Lĩnh vực: Ngữ văn – Ngôn ngữ)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55:

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1).

Câu 51: Đoạn trích trên được trích trong tập thơ nào?

A. Mặt trường khát vọng.

B. Mặt đường khát vọng.

C. Mặt trời khát vọng.

D. Ánh sáng và phù sa.

Câu 52: Câu thơ nào dưới đây được lấy cảm hứng từ ca dao?

A. Đất Nước là nơi ta hò hẹn.

B. Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”.

C. Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.

D. Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”.

Câu 53: Cụm từ “Đất Nước” viết hoa thể hiện điều gì?

A. Thể hiện nét đặc sắc nghệ thuật.

B. Thể hiện sự trân trọng.

C. Ca ngợi vẻ đẹp.

D. Thể hiện lòng biết ơn.

Câu 54:  Đất Nước trong đoạn trích trên được định nghĩa bằng cách nào?

A. Định nghĩa thông qua những điều gần gũi  nhất.

B. Định nghĩa bằng cách viện dẫn các sự kiện lịch sử.

C. Định nghĩa thông qua cái nhìn văn hóa.

D. Định nghĩa bằng cách chia tách hai thành tố Đất và Nước.

Câu 55: Phong cách ngôn ngữ nào được sử dụng trong văn bản trên?

A. Báo chí.

B. Chính luận.

C. Nghệ thuật.

D. Sinh hoạt

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60:

“Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,

Rắn như thép, vững như đồng.

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!”

(Trích “Ta đi tới”, Tố Hữu).

Câu 56: Nêu ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ?

A. Tự sự.

B. Nghị luận. 

C. Miêu tả.

D. Biểu cảm.

Câu 57: Nêu ý nghĩa nội dung của đoạn thơ trên.

A. Tuổi thơ lớn lên từ trong bom đạn.

B. Thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp và hùng vĩ.

C. Ý chí kiên cường của nhân dân.

D. Tất cả các đáp án trên.

Câu 58:

“Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,

Rắn như thép, vững như đồng.

Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!”

Trong 5 câu thơ trên của đoạn thơ, tác giả sử dụng chủ yếu biện pháp tu từ gì?

A. So sánh.

B. Nhân hóa.

C. Ẩn dụ.

D. Nói giảm nói tránh.

Câu 59: Biện pháp tu từ trong khổ thơ trên có tác dụng gì?

A. Đề cao sự hùng vĩ của thiên nhiên.

B. Tạo nhịp điệu cho câu thơ.

C. Nhấn mạnh sức mạnh của nhân dân ta.

D. Làm cho sự vật, sự việc giống như con người.

Câu 60: Ý nghĩa của hai câu thơ:

“Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng.”

A. Đất nước ta trù phú, tươi đẹp. 

B. Đất nước ta văn minh, phát triển.

C. Đất nước ta đã tìm thấy chân lí cho mình.

D. Tất cả các đáp án trên.

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 61 đến 65:

Tóc mẹ nở hoa

Như vòng tay mẹ

Đà Lạt ôm tôi vào lòng

Màu đất đỏ tự ngàn xưa thắm lại

Nhắc một thời máu lửa cha ông…

Ở nơi đây!

Mỗi mái nhà đều là  kỷ niệm

Rêu lên màu trên nửa vầng trăng

Bậc thềm xưa. Mẹ chờ cha vò võ

Chiều sương giăng, súng nổ sau đồi

Tháng ba ấy cha đi không trở lại

Mùa xuân. Tia chớp xé ngang trời

Đêm mùng mười cha ngã giữa Ban Mê

Đất bazan đỏ bừng… Lửa cháy

Ở phía đó cha đã không kịp thấy

Một tháng tư. Đà Lạt yên bình

Bốn mươi năm! Mảnh vườn cũ hồi sinh

Mùa cúc nở hoa. Mùa hồng thay áo

Đóa dã quỳ giấu vào lòng cơn nắng

Mẹ một mình lặng lẽ… Thờ cha

Bốn mươi mùa tóc mẹ nở hoa

Những nụ trắng như tuổi xuân gói lại

Những cánh trắng khắp núi đồi mê mải

Lất phất bay, nâng bước chân ngày.

(Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975)

(Lê Hòa, trích từ báo Sài Gòn giải phóng, ngày 14/05/2017).

Câu 61: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

A. Tự sự.

B. Miêu tả.

C. Thuyết minh.

D. Biểu cảm.

Câu 62: Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ sau:

Như vòng tay mẹ

Đà Lạt ôm tôi vào lòng

A. Điệp từ, nhân hóa, so sánh.

B. Hoán dụ, nói quá, điệp từ.

C. So sánh, nhân hóa, ẩn dụ.

D. So sánh, nhân hóa.

Câu 63: Tình cảm nào của nhân vật trữ tình dành cho mẹ được thể hiện qua khổ thơ cuối?

A. Yêu thương.

B. Kính trọng, biết ơn.

C. Lo sợ màu thời gian vô thường.

D. Tất cả các đáp án trên.

Câu 64: Từ “vò võ” trong bài thơ thể hiện ý nghĩa gì?

A. Sự ồn ào của không gian.

B. Sự mỏi mệt của con người.

C. Sự khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ. 

D. Tất cả các phương án trên.

Câu 65: Nội dung của bài thơ trên là gì?

A. Chiến tranh khốc liệt của Đà Lạt.

B. Hình ảnh đẹp của người mẹ và Đà Lạt.

C. Những người chiến sĩ đã hi sinh anh dũng. 

D. Tất cả các đáp án trên đều sai

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 66 đến 70:

Để trưởng thành, tất cả chúng ta đều phải trải qua hai cuộc đấu tranh: một cuộc đấu tranh bên ngoài và một cuộc đấu tranh ngay trong tâm trí mỗi người. Nhưng cuộc đấu tranh quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất chính là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người. Đó là cuộc đấu tranh chống lại những thói quen không lành mạnh, những cơn nóng giận sắp bùng phát, những lời gian dối chực trào, những phán xét thiếu cơ sở và cả những căn bệnh hiểm nghèo…. Những cuộc đấu tranh như thế diễn ra liên tục và thật sự rất gian khó, nhưng lại là điều kiện giúp bạn nhận ra cảnh giới cao nhất của mình. Hãy luôn cẩn trọng và can đảm. Hãy tiếp thu ý kiến những người xung quanh nhưng đừng để họ chi phối quá nhiều đến cuộc đời bạn. Hãy giải quyết những bất đồng trong khả năng của mình nhưng đừng quên đấu tranh đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra. Đừng để bóng đen của nỗi lo sợ bao trùm đến cuộc sống của bạn. Bạn phải hiếu rằng, dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được điều gì đó bổ ích cho mình. Vì vậy, hãy tin tưởng vào con đường mình đang đi và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả. Với sự hi sinh, lòng kiên trì, quyêt tâm nỗ lực không mệt mỏi và tính tự chủ của mình, nhất định bạn sẽ thành công. Bạn chính là người làm chủ số phận của mình…”

(Trích Đánh thức khát vọng, nhiều tác giả, First News tổng hợp NXB Hồng Đức, 2017, tr.67,78).

Câu 66: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

A. Tự sự. 

B. Biểu cảm. 

C. Miêu tả.

D. Nghị luận.

Câu 67: Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong phần in đậm?

A. So sánh.

B. Điệp từ.

C. Điệp cấu trúc.

D. Ẩn dụ.

Câu 68: Theo tác giả, cuộc đấu tranh quan trọng nhất và ý nghĩa nhất là gì?

A. Là cuộc đấu tranh diễn ra ngay trong tâm hồn mỗi người.

B. Là cuộc đấu tranh bên ngoài.

C. Là sự kết hợp giữa cuộc đấu ranh bên trong và cuộc đấu tranh bên ngoài của con người.

D. Là cả hai cuộc đấu tranh bên trong và bên ngài của con người.

Câu 69: Câu nói “Dù có thất bại thảm hại đến mấy chăng nữa thì bạn cũng đã học hỏi được một điều gì đó bổ ích cho mình” có ý nghĩa gì?

A. Khi gặp thất bại con người không được nản chí.

B. Thất bại đôi khi mang lại cho con người những giá trị to lớn.

C. Thất bại là bước khởi đầu tạo nên thành công sau này.12.

D. Thất bại đem đến những kinh nghiệm, là nguồn động lực để ta không ngừng nỗ lực,  cố gắng, trau dồi bản thân trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

Câu 70: Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?

A. Nói về hai cuộc đấu tranh mà chúng ta phải trải qua trên con đường trưởng thành.

B. Nói đến cuộc đấu tranh bên trong con người từ đó thúc đẩy lòng tin, sự đấu tranh vì những mục tiêu cao cả và làm chủ số phận mình.

C. Động viên con người bước ra khỏi bóng tối giới hạn của bản thân.

D. Khuyên nhủ con người muốn thành công phải không ngừng học hỏi.

Câu 71: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

“Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ có quan niệm văn chương đồng nhất. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa.”

A. quan niệm. 

B. đồng nhất.

C. đạo lý. 

D. sự nghiệp.

Câu 72: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách. Mỗi trường phái hội họa đều có suy nghĩ riêng về cái đẹp, quyết định riêng việc lựa chọn đề tài, cách vận dụng ngôn ngữ tạo hình và xử lý kỹ thuật chất liệu riêng để đạt hiệu quả mong muốn.

A. trường phái.

B. suy nghĩ.

C. tạo hình.

D. hiệu quả

Câu 73: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

“Về văn bản, cách nói và cách viết của Hồ Chủ Tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khảng khái, thấm thía đi sâu vào tình cảm của con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người ta: Hình thức sinh động, giản dị, giàu tính dân tộc và tính nhân dân”

A. văn bản.

B. độc đáo.

C. chinh phục.

D. hình thức.

Câu 74: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách. Nhân vật Khoai trong câu chuyện “Cây tre trăm đốt” vốn là một người nhanh trí. Vì thế trong mọi tình huống anh đều xử lý rất thông minh.

A. nhanh trí. 

B. tình huống.

C. xử lý.

D. thông minh.

Câu 75: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách. Cuộc họp diễn ra từ sớm nhưng có lẽ sẽ phải kéo dài vì có rất nhiều vấn đề nổi cộm cần phải bàng bạc kĩ lưỡng

A. diễn ra.

B. kéo dài. 

C. nổi cộm.

D. bàng bạc.

Câu 76: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. xe cộ.

B. xe ôm.

C. máy bay. 

D. tàu hỏa

Câu 77: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. nhỏ nhẹ.

B. nhỏ nhắn.

C. nhỏ con.

D. nhỏ xíu.

Câu 78: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. công tác.

B. công lí.

C. bất công.

D. công minh.

Câu 79: Tác giả nào sau đây KHÔNG thuộc trường văn học hiện thực trước Cách mạng?.

A. Nam Cao.

B. Nguyễn Công Hoan.

C. Nguyễn Minh Châu.

D. Ngô Tất Tố.

Câu 80: Tác phẩm nào sau đây KHÔNG có phần đề từ?

A. Tràng giang.

B. Người lái đò Sông Đà.

C. Đàn ghi ta của Lor – ca.

D. Tây Tiến.

Câu 81: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

“Mỗi một vùng đất của Tổ quốc ta đều có những nét đặc sắc, kỳ thú riêng. Truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ đem đến cho chúng ta một bức tranh _                             của rừng tràm U Minh Hạ”

A. thú vị.

B. vui vẻ.

C. độc đáo.

D. hoạt bát.

Câu 82: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Theo đánh  giá của Phạm Văn Đồng, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu lớn lao bởi sức cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến đấu chống thực dân, bằng cách làm cho lòng người _                  trước những hình tượng “sinh động và não nùng” của những con người “ suốt đời tận trung với nước, trọng nghĩa với dân”.”

A. rung động.

B. cảm động.

C. xúc động.

D. cảm xúc.

Câu 83:  Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây: Văn chương sẽ là ----------------- của sự sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống.

A. đặc điểm.

B. hình dung.

C. vẻ đẹp.

D. biểu tượng.

Câu 84:  Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây: Toàn cầu hóa  là một                 lớn, một mặt cho phép nước ta tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài, mặt khác đặt nền kinh tế nước ta vào thế bị cạnh tranh _             bởi các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực và trên thế giới.

A. xu thế/căng thẳng.

B. trào lưu/căng thẳng.

C. trào lưu/quyết liệt.

D. xu thế/quyết liệt.

Câu 85: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

“Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một                                    của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn,…”

A. bản hùng ca.

B. dàn đồng ca.

C. bản trường ca.

D. bản đồng ca.

Câu 86: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

“Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu."

(Trích "Tuyên ngon Độc lập" – Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”?

A. Ẩn dụ.

B. Nhân hóa.

C. Hoán dụ.

D. So sánh.

Câu 87: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:

-  Chặc, kệ!

Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về.

(Trích đoạn trích Vợ nhặt, Kim Lân, SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1).

Câu nói của Tràng trong đoạn trích thể hiện điều gì?

A. Con người liều lĩnh, nông nổi của một người đàn ông ế vợ.

B. Niềm tin vào sự thay đổi cuộc đời của nhân vật Tràng.

C. Khát vọng hạnh phúc chính đáng của con người.

D. Sự lạc quan của nhân vật Tràng.

Câu 88: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má. Đẩu đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc sâu vào hai bên túi chiếc quần quân phục đã cũ. Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ.

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục)

Chi tiết “rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má” thể hiện điều gì ở viên chánh án?.

A. Đẩu cần phải có con mắt nhìn tinh tế hơn.

B. Đẩu cần phải rời khỏi cương vị và nhìn bằng con mắt của người dân.

C. Đẩu cần phải thay đổi quan điểm của mình.

D. Đẩu cần nhìn nhận thực tế chứ không dựa trên lý thuyết.

Câu 89: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Tnú không cứu được vợ được con. Tối đó Mai chết. Còn đứa con thì đã chết rồi. Thằng lính to béo đánh một cây sắt vào ngang bụng nó, lúc mẹ nó ngã xuống, không kịp che cho nó. Nhớ không Tnú, mày cũng không cứu sống được vợ mày. Còn mày thì chúng nó bắt mày, trong tay mày chỉ có hai bàn tay trắng, chúng nó trói mày lại. Còn tau thì lúc đó đứng đằng sau gốc cây vả. Tau thấy chúng nó trói mày bằng dây rừng. Tau không nhảy  ra cứu mày. Tau cũng chỉ có hai bàn tay không. Tau không ra, tau quay đi vào rừng, đi tìm giáo mác. Nghe rõ chưa, các con rõ chưa. Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói cho con cháu. Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo!…

(Trích Rừng Xà Nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục).

Câu nói “Chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo” thể hiện tư tưởng gì?

A. Quyết tâm chống giặc của nhân dân ta.

B. Phải sử dụng bạo lực Cách mạng để chống lại bạo lực phản Cách mạng.

C. Phải có một tinh thần sẵn sàng tham gia chiến đấu.

D. Thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta.

Câu 90: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

(Trích Tràng giang – Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục)

Nội dung đoạn thơ trên là gì?

A. Cảm giác cô đơn và nỗi buồn bâng khuâng toát lên từ không gian cô liêu, vắng vẻ của “tràng giang”.

B. Cảm giác cô đơn và nỗi buồn bâng khuâng toát lên từ khung cảng sóng nước của “tràng giang”.

C. Cảm giác cô đơn và nỗi buồn bâng khuâng toát lên từ không gian rộng lớn của “tràng giang”.

D. Cảm giác cô đơn và nỗi buồn bâng khuâng toát lên từ khoảnh khắc hoàng hôn trên sông nước của “tràng giang”.

Câu 91: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Từ “kịp” trong đoạn trích trên gợi nên điều gì rõ nét nhất đang ẩn chứa trong tâm tư tác giả?.

A. Một lời khẩn cầu, hi vọng được gặp lại người thương.

B. Một niềm mong ngóng, trông đợi đối với người thương.

C. Một niền khao khát, một thúc bách chạy đua với thời gian.

D. Một nỗi buồn nhớ xa xăm đối với người thương.

Câu 92: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Việt đã bò đi được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai cùi tay lôi người theo. Việt cũng không biết rằng mình đang bò đi nữa, chính trận đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mỹ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọn hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong.

(Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục)

Nhân vật Việt trong đoạn trích trên bộc lộ rõ nét nhất phẩm chất gì?

A. Anh hùng.

B. Trẻ con.

C. Nhu nhược.

D. Lạc quan.

Câu 93: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì  ân hận suốt đời mất.

(Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2007, tr.29)

Tính cách của Huấn Cao được miêu tả bằng chữ “khoảnh”. “Khoảnh” nghĩa là gì?

A. Cao ngạo, phách lối, khó chịu.

B. Kiêu căng, ngạo mạn, khó tính.

C. Kiêu ngạo, khó tính hay làm bộ làm tịch.

D. Khó tính, kiêu kì trong giao tiếp.

Câu 94: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Ông ta khóc quá, muốn lặng đi thì may có Xuân đỡ khỏi ngã. Nó chật vật mãi cũng không làm cho ông đứng hẳn lên được. Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng loè xòe, ông phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.

-  Hứt!. Hứt!. Hứt!.

Xuân Tóc Ðỏ muốn bỏ quách ra chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư. Nó nắm tay cho khỏi có người nom thấy, rồi đi tìm cụ Tăng Phú lạc trong đám ba trăm người đương buồn rầu và đau đớn về những điều sơ suất của khổ chủ.

(Trích Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục)

Trong đoạn trích trên tác giả đã sử dụng hình thức nghệ thuật gì để tạo tiếng cười châm biếm?.

A. Đối lập.

B. Lật tẩy.

C. Miêu tả cái thật đằng sau cái giả.

D. Phối hợp nghệ thuật đối lập, giễu nhại với lật tẩy.

Câu 95: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục)

Dòng nào dưới đây nêu đúng các biện pháp tu từ được sử dụng?

A. Nhân hóa, hoán dụ.

B. Điệp từ, so sánh.

C. Câu hỏi tu từ, điệp từ.

D. So sánh, câu hỏi tu từ, hoán dụ.

Câu 96: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Thị cười và nói lảng:

- Hôm qua làm biên bản, lý Cường nghe đâu tốn gần một trăm. Thiệt người lại tốn của. Nhưng thị lại nghĩ thầm:

- Sao có lúc nó hiền như đất.

Và nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn, thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng:

- Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào?

Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại.

(Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Hình ảnh chiếc lò gạch tiếp tục xuất hiện thể hiện điều gì?

A. Đời sống nông dân làng Vũ Đại hoang tàn như cái lò gạch cũ.

B. Hình ảnh lò gạch bỏ hoang, khiến người đọc hiểu đó là nghề truyền thống của làng Vũ Đại đã mai một.

C. Nó gợi lên cái vòng luẩn quẩn, bế tắc, đau thương không lối thoát của người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.

D. Tác giả muốn giới thiệu với độc giả việc làm quanh năm của nông dân làng Vũ Đại là sản xuất gạch.

Câu 97: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Đêm tối đối với Liên quen lắm, chị không sợ nó nữa. Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại sẫm đen hơn nữa. Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cái bếp lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa.  Tất cả phố xá trong huyện bây giờ thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí. Thêm được một gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe.

(Trích “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Hình ảnh ánh sáng trong đoạn trích trên thể hiện điều gì?

A. Một thứ ánh sáng gần gũi, yêu thương.

B. Một thứ ánh sáng gợi nhiều thi vị.

C. Nó gợi lên vẻ đẹp thơ mộng của làng quê Việt Nam.

D. Nó gợi ra những kiếp người nghèo khổ.

Câu 98: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi

Hồn Trương Ba: Ông hãy trả lời đi! Ông có giúp tôi không? Nếu ông từ chối, tôi sẽ. Tôi đã nhất quyết! Ông phải giúp tôi!

Đế Thích: Trả thân xác này cho anh hàng thịt. và thế là.

Hồn Trương Ba: Không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nữa.

(Trích Hồn Trương Ba da hàng thịt – Lưu Quang Vũ, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

Nội dung cuộc đối thoại trên là gì?

A. Người và thần tiên luôn luôn bất đồng quan điểm sống.

B. Cuộc nói chuyện giữa người thường và thần tiên.

C. Cuộc tranh luận về sự sống và cái chết.

D. Khát vọng sống đẹp, khát vọng tự giải phóng cho tâm hồn.

Câu 99: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.

(Trích Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

Những chi tiết trên miêu tả con Sông Đà ở đoạn nào?

A. Vách đá.

B. Ghềnh Hát Loóng.

C. Hút nước.

D. Thác nước.

Câu 100: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

(Trích đoạn trích Sóng, Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2).

Câu thơ “dữ dội và dịu êm” sử dụng biện pháp nghệt thuật nào?

A. Nghệ thuật đối lập.

B. Nghệ thuật so sánh.

C. Nghệ thuật nhân hóa.

D. Nghệ thuật lệt kê

Tổng hợp: Dethidanhgianangluc.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Tuyển tập đề thi đánh giá năng lực mới nhất, đề ôn luyện thi đánh giá năng lực tất cả các phần