Đề 7 - thi thử đánh giá năng lực Hà Nội phần Tư duy định tính (Có đáp án)

Cập nhật lúc: 09:39 23-05-2023 Mục tin: Đề thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội


Dưới đây là chi tiết đề 7 - thi thử đánh giá năng lực Hà Nội phần định tính có kèm đáp án, các em cùng thử sức nhé!

ĐỀ 7 - ĐỀ THI THỬ ĐGNL ĐHQGHN PHẦN TƯ DUY ĐỊNH TÍNH

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 51 đến 55:

Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời  bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có    ý nghĩa  là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền  sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền    lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1).

Câu 51: Nêu những ý chính của văn bản.

A. Trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập”của người Mỹ ( 1776) và Trích dẫn bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791).

B. Trích dẫn bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791).

C. Trích dẫn bản “Tuyên ngôn độc lập”của người Mỹ ( 1776).

D. Khẳng định quyền được hưởng tự do, độc lập; sự thật đã được tự do độc  lập và  quyết tâm  bảo vệ nền tự do, độc lập ấy của dân tộc Việt Nam.

Chọn A

Câu 52: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

A. Báo chí.

B. Chính luận.

C. Nghệ thuật.

D. Hành chính.

Chọn B

Câu 53: Việc dùng từ “Suy rộng ra” có ý nghĩa như thế nào?

A. Bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp trước dư luận thế giới. Thuyết phục Đồng minh nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ nền độc lập của Việt Nam.

B. Ra sức học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

C. Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền  đẳng,  tự do  của các dân tộc.

D. Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp nhằm đề cao giá trị tư tưởng nhân đạo và văn  minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo.

Chọn C

Câu 54: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích là gì?

A.  Phương thức biểu đạt tự sự.

B.  Phương thức biểu đạt nghị luận.

C.  Phương thức biểu đạt miêu tả.

D.  Phương thức biểu đạt biểu cảm.

Chọn B

Câu 55: Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn trích trên là gì?

A. Liệt kê.

B. Ẩn dụ. 

C. Hoán dụ. 

D. Nói giảm, nói tránh

Chọn A

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 56 đến 60:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn  rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn,  mỗi một người trong chúng ta đều  được sinh ra với những giá trị có sẵn.  Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai  hết,  phải biết mình,  phải nhận ra những giá trị đó.”

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân).

Câu 56: Nêu ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ?

A. Biểu cảm. 

B. Tự sự. 

C. Nghị luận. 

D. Miêu tả.

Chọn C

Câu 57: Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn.

A. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.

B. Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một.

C. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn.

D. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon.

Chọn A

Câu 58:  Chỉ ra  và  nêu tác  dụng biện pháp tu từ trong câu: Và chính bạn,  hơn ai hết, trước ai hết, phải  biết mình, phải nhận ra những giá trị đó

A. Nhân hóa. 

B. So sánh. 

C. Ẩn dụ.

D. Điệp ngữ.

Chọn D

Câu 59: Chỉ ra điểm giống nhau về cách lập luận trong 4 câu đầu của đoạn trích

A. Cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.

B. Đưa ra giả định về sự không có mặt của yếu tố thứ nhất để từ đó khẳng định sự có mặt mang tính chất thay thế của yếu tố thứ hai.

C. Chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng.

D. Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.

Chọn C

Câu 60: Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua đoạn văn là gì?

A. Sức mạnh của bản thân với cuộc sống con người. Đó là điều kiện tiên quyết để  khẳng định  giá trị của bản thân.

B. Con người cần biết giữ gìn bảo vệ không để những thử thách khó khăn trong cuộc sống làm nhụt chí.

C. Không được định giá người khác khi chưa thấu hiểu họ bởi giá  trị là sự tích lũy dài lâu,  không phải ngày một ngày hai mà tạo ra.

D. Mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.  Và chính bạn, hơn   ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

Chọn D

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 61 đến 65:

Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà  chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách,  khó khăn và  nghịch  cảnh.  Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kì hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn. Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm    được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc. Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy  hạnh phúc. Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc. Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn. Tại sao không phải lúc này? Hạnh  phúc là một con đường đi, một  hành trình.  Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý  giá trên  chuyến hành trình ấy. Hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai!

(Trích Hạt giống tâm hồn, NXB Văn học, 2012).

Câu 61: Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích trên.

A. Phân tích. 

B. Bác bỏ. 

C. Chứng minh.  

D. Bình luận.

Chọn B

Câu 62: Anh/ Chị hiểu thế nào về câu nói: “Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình.”?

A. Cần “tin vào chính mình”, tin vào nghị lực, tài  năng, lòng can đảm,  sức mạnh và  sự tự tin đều tiềm ẩn bên trong con người có đủ khả năng vượt qua những khó khăn ấy.

B. Cần phải chủ động nắm bắt cuộc sống của mình và đón nhận những hạnh phúc đời thường vì có thể nó sẽ vụt mất bất cứ lúc nào.

C. Cuộc sống có nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh; thời gian không chờ đợi một ai.

D. Hạnh phúc là những trải nghiệm cuộc đời trần thế, không tự nhiên mà có, hạnh phúc phải  kiếm tìm, phải trải qua gian khó mới có được.

Chọn D

Câu 63: Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ,  mùa thu, hay  mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc.

A. So sánh.  

B. Liệt kê. 

C. Điệp ngữ.

D. Ẩn dụ.

Chọn B

Câu 64: Vì sao tác giả cho rằng: “khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống”?

A. Vì cần phải nâng niu từng phút giây của cuộc sống để nắm bắt chọn vẹn hạnh phúc.

B. Vì cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn; thời gian không chờ đợi một ai.

C. Vì chúng ta chỉ được sống một lần trên đời.

D. Vì tuổi trẻ cần phải nỗ lực hết mình để theo đuổi những đam mê, hoài bão để thành công.

Chọn B

Câu 65: Nêu ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ?

A. Biểu cảm.

B. Tự sự. 

C. Nghị luận.

D. Miêu tả

Chọn C

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 66 đến 70:

Trên bãi cát những người lính đảo

Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà

Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững

Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

Đảo tái cát

Khóc oan hồn trôi dạt

Tao loạn thời bình Gió thắt ngang cây.

Đất hãy nhận những đứa con về cội

Trong bao dung bóng mát của người

Cay hãy gọi bàn tay về hái quả

Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi

À ơi tình cũ nghẹn lời

Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

(Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)

Câu 66: Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

A. Thể thơ thất ngôn. 

B. Thể thơ tự do.

C. Thế thơ lục ngôn. 

D. Thể thơ ngũ ngôn.

Chọn B

Câu 67: Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

A. Bãi cát, gió, cây.  

B. Đảo tái cát, bãi gió cát, oan hồn trôi dạt.

C. Chiếc áo, chum vại. 

D. Đứa con, quả, vàng.

Chọn B

Câu 68: Nêu ý nghĩa của hai câu thơ:

Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững

Họ cứ ngồi như chum vại hứng

A. Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, tinh thần kiên cường, bền bỉ của những người lính đảo.

B. Thể hiện hình ảnh sáng ngời của người lính chiến đâu nơi đảo hoang.

C. Thể hiện sự hi sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hòa bình cho Tổ quốc.

D. Thể hiện nỗi đau, những mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính, nỗi đau lan tỏa cả  đất trời và gợi lên những nghịch lí oan trái mà người lính thời bình phải chịu.

Chọn A

Câu 69: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu:

Đảo tái cát – Khóc oan hồn trôi dạt – Tao loạn thời bình – Gió thắt ngang cây.

A. So sánh.

B. Nói giảm.

C. Nói quá. 

D. Nhân hóa.

Chọn D

Câu 70: Nêu các phép liên kết có sử dụng trong đoạn trích

A. Phép lặp, phép thế. 

B. Phép lặp, phép nối.

C. Phép nối, phép thế.

D. Phép nối.

Chọn A

Câu 71: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Cảnh khuyaRằm tháng giêng là hai bài thơ tuyệt tứ của Hồ Chí Minh được sáng tác trong  thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

A. Cảnh khuya.  

B. tuyệt tứ. 

C. Rằm tháng giêng.

D. thời kì đầu.

Chọn B

Câu 72: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học là trình tự những cảm  xúc, tưởng tượng,  liên  tưởng, suy ngẫm của mình về nội dung, hình thức của tác phẩm đó.

A. trình tự.

B. tưởng tượng. 

C. Phát biểu. 

D. suy ngẫm.

Chọn A

Câu 73: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Thơ là hình thức nội dung dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức logic nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe.

A. hình thức. 

B. chất liệu. 

C. nội dung. 

D. âm thanh.

Chọn C

Câu 74: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Biên bản là  loại văn bản ghi chép một  cách trung thành, chính xác, đầy đủ  một sự việc đang  xảy ra hoặc vừa mới xảy ra. Người ghi biên bản chịu trách nhiệm về tính xác thực của biên bản.

A. chịu. 

B. loại văn bản.  

C. trung thành. 

D. tính xác thực.

Chọn C

Câu 75: Xác định một từ/cụm từ SAI về ngữ pháp/hoặc ngữ nghĩa/logic/phong cách.

Ngòi bút kịch của Lưu Quang Vũ nhạy bén, sắc sảo, đề cập đến hàng loạt vấn đề có tính thời đại nóng hổi trong cuộc sống đương thời, đáp ứng được những đòi hỏi của đông đảo người xem trong thời kì xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đổi mới.

A. thời đại. 

B. đông đảo.

C. đương thời. 

D. nhạy bén.

Chọn A

Câu 76: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. tập hợp. 

B. tập dụng. 

C. tập kết. 

D. tập thể.

Chọn B

Câu 77: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. nhiệt đới.  

B. nhiệt huyết. 

C. nhiệt tình. 

D. cuồng nhiệt.

Chọn A

Câu 78: Chọn một từ mà nghĩa của nó KHÔNG cùng nhóm với các từ còn lại.

A. phong ba. 

B. phong cảnh. 

C. phong cách.

D. cuồng phong.

Chọn C

Câu 79: Tác giả nào sau đây KHÔNG thuộc trường phái thơ ca trữ tình?

A. Xuân Diệu. 

B. Hàn Mặc Tử. 

C. Quang Dũng.

D. Nguyễn Bính.

Chọn C

Câu 80: Tác phẩm nào sau đây KHÔNG thuộc phong trào thơ mới?

A. Nhớ rừng. 

B. Quê hương.

C. Ông đồ.

D. Cảnh khuya.

Chọn D

Câu 81: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Phong cách ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, ....... tiêu biểu là trong các văn bản khoa học.

A. đời sống.  

B. giới hạn. 

C. khoảng. 

D. phạm vi.

Chọn D

Câu 82: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Tố Hữu từng quan niệm “Thơ là chuyện. [.] Thơ là tiếng nói đồng ý và  đồng tình,  tiếng nói  đồng chí.

A. đồng điệu. 

B. văn hóa. 

C. đồng mình.

D. tinh hoa.

Chọn A

Câu 83: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Đem lại một cách hiểu mới đối với quần chúng lao động về  phẩm chất  và tinh thần và  sức  mạnh của họ trong cuộc kháng chiến, phê phán tư tưởng coi thường quần chúng. Đây là một trong hai chủ đề thể hiện rõ đặc điểm: văn học Việt Nam 1945 – 1975 luôn.

A. Phục vụ cách mạng.

B. Hướng về đại chúng.

C. Đậm đà tính dân tộc.

D. Có khuynh hướng sử thi.

Chọn B

Câu 84: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Phải chăng cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự lớn nhất là bạn để  cho tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống?

A. hi sinh.

B. hóa thân. 

C. biến đổi. 

D. mất mát.

Chọn D

Câu 85: Chọn từ/cụm từ thích hợp nhất để điền vào chỗ trống trong câu dưới đây:

Tiếp nhận văn học không giản đơn là một quá trình lặp lại hay tìm về ý tưởng ban đầu của tác phẩm mà là một quá trình.

A. tạo thành cấu trúc.  

B. đồng sáng tạo.  

C. liên hợp môn.

D. liên văn bản.

Chọn B

Câu 86: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

- Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

(Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục)

Nêu ý chính của đoạn thơ

A.  Tình yêu mãi là khát vọng muôn  đời.

B.  Khát vọng rạo rực của người con  gái.

C.  Niềm suy tư, trăn trở của người phụ nữ trong tình yêu.

D.  Nỗi nhớ thiết tha, sâu lắng và lòng thủy chung của người phụ nữ trong tình yêu

Chọn C

Câu 87: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi:

…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin,  rồi lại  như là khiêu khích,  giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn  giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm  thét với đàn  trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả chân trời đá.

Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.

(Trích đoạn trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1) Đoạn văn bản trên Nguyễn Tuân đã sử dụng tổng hợp tri thức của những ngành nào?

A. Âm nhạc, hội họa, quân sự. 

B. Điêu khắc, hội họa, quân sự.

C. Hội họa, điêu khắc.

D. Âm nhạc, quân sự.

Chọn A

Câu 88: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn.

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Trích Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục) Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.

A. Liệt kê, nhân hóa. 

B. Nhân hóa, phép điệp.

C. Phép điệp, liệt kê.

D. So sánh, nhân hóa.

Chọn C

Câu 89: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

“Ơi kháng chiến ! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường.

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói long gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.

(Trích Tiếng hát con tà – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) Cách xưng hô: con – Mẹ yêu thương trong đoạn thơ có ý nghĩa gì?

A. Tây Bắc và cuộc kháng chiến mười năm có ý nghĩa lớn lao,vĩ đại,nhất là đối với các  văn  nghệ sĩ tiền chiến và mẹ.

B. Thể hiện tình nghĩa thủy chung của con đối vơi mẹ.

C. Nhớ về cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ, nhà thơ lại xúc động, bồi hồi.

D. Thể hiện lòng biết ơn sâu nặng của con với cuộc kháng chiến, với tây bắc.

Chọn D

Câu 90: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mỵ không thổi cũng không đứng lên. Mỵ nhớ lại đời mình. Mỵ tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ  là Mỵ đã cởi trói cho nó, Mỵ liền phải trói thay vào đấy. Mỵ chết trên cái cọc ấy. Nghĩ  thế,  nhưng làm sao Mỵ cũng không thấy sợ…Trong nhà tối bưng, Mỵ rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mỵ tưởng như A Phủ biết có người bước  lại… Mỵ rút con  dao nhỏ cắt lúa,  cắt nút dây mây. A Phủ thở  phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh.Lần lần, đến lúc  gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mỵ cũng hốt hoảng. Mỵ chỉ thì thào được một tiếng “Đi đi…” rồi Mỵ nghẹn lại. A Phủ khuỵu  xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến  nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mỵ đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mỵ vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục) Tại sao câu văn Mỵ đứng lặng trong bóng tối. được tách thành một dòng riêng?

A. Nó chứng tỏ tâm trạng lo sợ và hành động nhẹ nhàng từ bước đi đến lời nói của Mị.

B. Nó như cái bản lề khép lại quãng đời tủi nhục của Mị, đồng thời mở ra một tương lai hạnh phúc.

C. Hết câu nên nhà văn xuống dòng.

D. Nó thể hiện niềm khát khao sống và khát khao tự do của nhân vật Mị.

Chọn B

Câu 91: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến ầm ĩ trên ngọn cây. Rồi loạt thứ hai.Việt ngóc dậy. Rõ ràng không phải tiếng pháo lễnh lãng của giặc. Đó là những tiếng nổ quen thuộc, gom vào một chỗ, lớn nhỏ không đều, chen vào đó là những dây súng nổ vô hồi vô tận. Súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đám dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi. Đúng  súng của ta rồi! Việt muốn reo lên. Anh Tánh chắc ở đó, đơn vị mình ở đó. Chà, nổ dữ, phải chuẩn bị lựu đạn xung phong thôi! Đó, lại tiếng hụp hùm.chắc là một xe bọc thép vừa bị ta bắn cháy. Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ. Những khuôn mặt anh em mình lại hiện ra.Cái cằm nhọn hoắt ra của anh Tánh, nụ cười và cái nheo mắt của anh Công mỗi lần anh động viên Việt tiến lên.Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng   nổ súng. Các anh chờ Việt một chút. Tiếng máy bay vẫn gầm rú hỗn loạn trên cao, nhưng mặc  xác chúng. Kèn xung phong của chúng ta đã nổi lên. Lựu đạn ta đang nổ rộ.

(Trích Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Ngữ văn 12, Tập 2,NXB Giáo dục) Tại sao Tiếng súng nghe thân thiết và vui lạ đối với nhân vật Việt?

A. Đó là tiếng súng của đồng đội gọi Việt tới phía của sự sống.

B. Gợi lại âm thanh quen thuộc đã từng gắn bó với nhân vật Việt.

C. Sống dây tinh thần trong những ngày đánh Mỹ.

D. Thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt, thủy chung đến cùng với Tổ quốc.

Chọn A

Câu 92: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, NXB Giáo dục)

Câu thơ: Ai biết tình ai có đậm đà? có mấy cách hiểu?

A. một.

B. hai.

C. ba. 

D. bốn.

Chọn B

Câu 93: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

"Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay  tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả  làng Vũ Đại ai cũng nhủ:  “Chắc  nó trừ mình ra!”.  Không  ai lên tiếng cả. Tức thật! ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được   mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không?  Thế thì có khổ hắn không?  Không biết đứa chết mẹ nào lại   đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết! Hắn không biết,  cả làng Vũ Đại cũng không ai biết… "

(Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

Nêu xuất xứ của đoạn trích.

A. Đoạn mở đầu.

B. Đoạn cuối.

C. Đoạn giữa. 

D. Đoạn tiền đề.

Chọn A

Câu 94: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục) Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

A. Thiên nhiên Tây Bắc được cảm nhận với vẻ đẹp vừa đa dạng vừa độc đáo, vừa hùng vĩ vừa  thơ mộng, hoang sơ mà ấm áp.

B. Nỗi nhớ da diết của Quang Dũng về đoàn binh Tây Tiến.

C. Mọi khó khăn thử thách ấy vẫn không ngăn cản được người chiến sĩ Tây Tiến.

D. Quan niệm của người lính Tây Tiến trước cái chết va ý chi quyết tâm của họ.

Chọn D

Câu 95: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

- Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục)

Nêu ý nghĩa tu từ của từ láy trong đoạn thơ.

A. Diễn tả con sóng lòng đang dấy lên trong tâm hồn nhà thơ lúc phân ly.

B. Thể hiện tình cảm lứa đôi.

C. Thể hiện vẻ đẹp của hai nhân vật mình và ta.

D. Thể hiện nỗi nhớ da diết của người phụ nữ.

Chọn A

Câu 96: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời.

(Trích đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn lớp 12, tập 1)

Nội dung đoạn thơ trên thể hiện:

A. Lời nhắn nhủ biết say đắm trong tình yêu.

B. Lời nhắn nhủ biết quý trọng tình nghĩa.

C. Lời nhắn nhủ biết căm thù và quyết tâm chiến đấu.

D. Lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết về trách nhiệm của mỗi người với đất nước.

Chọn D

Câu 97: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có  gì đượm bằng nhựa xà  nu. Lửa bắt  rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.

Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, nhìn trừng trừng.

Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh  không cảm thấy lửa cháy ở mười đầu  ngón tay nữa.  Anh nghe lửa  cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “Người Cộng sản không thèm kêu van.” Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!

(Trích Rừng Xà Nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục) Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn trên?

A. Phương thức miêu tả.

B. Phương thức biểu cảm.

C. Phương thức tự sự. 

D. Phương thức nghị luận.

Chọn C

Câu 98: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

(Tràng Giang– Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Cái cảm giác trống trải, xa vắng của không gian “tràng giang” trong khổ thơ thứ ba, chủ yếu  được tô đậm bởi yếu tố nghệ thuật nào?

A. Cảnh ngụ tình. 

B. Ẩn dụ.

C. Điệp từ và từ phủ định.  

D. Âm hưởng, nhạc điệu.

Chọn C

Câu 99: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối. Người vắng mãi, trên hàng ghế chị Tí mới có hai ba bác phu ngồi uống nước và hút thuốc lào. Nhưng một lát từ phố huyện đi ra,  hai  ba người cầm đèn lồng lung lay  các bóng  dài: mấy người làm công ở hiệu khách đi đón bà chủ ở tỉnh về. Bác  Siêu nghển cổ  nhìn ra phía ga, lên tiếng:

-  Đèn ghi đã ra kia rồi.

Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất, như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu  vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi. Liên đánh thức em:

-  Dậy đi, An. Tàu đến rồi.

(Trích Hai đứa trẻ – Thạch Lam, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB  Giáo  dục) Hình ảnh  đoàn tàu  được nhắc đến trong đoạn trích thể hiện điều gì?

A. Điều cả phố huyện trông đợi trong một ngày.

B. Thể hiện cho ước mơ khát vọng của người dân nơi phố huyện nghèo.

C.  Thể hiện sự khác biệt đối với bức tranh phố huyện thường ngày.

D. Thể hiện sự nghèo đói đã lan ra cả những thành thị.

Chọn B

Câu 100: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Trong rừng ít có cây sinh sôi nẩy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loáng, vết thương không lành được,  cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt  lên được  cao hơn đầu người, cành lá xum xuê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, nhưng vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã… Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

(Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục)

Hình tượng cây xà nu trong đoạn trích trên thể hiện phẩm chất  nào của người  dân làng Xô man?

A. Tinh thần yêu nước.

B. Tinh thần đoàn kết.

C. Sức sống mãnh liệt.  

D. Sự trung thành với Cách mạng

Chọn C

Tổng hợp: Dethidanhgianangluc.info

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Tuyển tập đề thi đánh giá năng lực mới nhất, đề ôn luyện thi đánh giá năng lực tất cả các phần